Trên tinh thần đó, nhiều chính sách lớn được Đảng, Nhà nước ban hành nhằm tạo “cú huých” thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, phải kể đến Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 68/2017/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Cùng với đó, nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với các dự án khuyến khích đầu tư, danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh... Nhờ đó, trong những năm gần đây, nhiều DN, tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có những DN hàng đầu thế giới về thủy sản, lúa gạo, cà phê... trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Đến nay, hệ thống DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn DN, bao gồm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó, khoảng 10.200 DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số DN trên cả nước và 96% trong số này là DN nhỏ và siêu nhỏ. Điều đó cho thấy, cộng đồng DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu của đất nước.
Theo nhiều DN, đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh và lợi nhuận thu về không cao khiến khả năng quay vòng vốn chậm. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, dẫn đến nhiều rủi ro khó lường.
Mặt khác, “khoảng trống” giữa chính sách với thực thi trong thực tiễn còn rất lớn như DN rất khó tiếp cận đất đai, thị trường, ưu đãi tín dụng, lãi suất... khiến nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Rõ ràng, việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của đất nước nông nghiệp và đặc biệt hơn, góp phần chuyển dịch nhanh hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, hướng tới phát triển nông thôn bền vững.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để trình Chính phủ, thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP.
Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, khoảng 800 dự án nông nghiệp, nông thôn sẽ được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 107.000 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 8.600 tỷ đồng.
Các nhà quản lý kỳ vọng, nguồn lực trên sẽ thúc đẩy vai trò dẫn dắt thị trường của DN, DN có thể thay đổi được cách thức sản xuất của người nông dân. Lúc đó, khu vực nông thôn sẽ chuẩn hóa lại ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản... theo đúng xu thế thị trường.
Bởi, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay chủ yếu ở hơn 9,2 triệu hộ sản xuất, quy mô rất nhỏ nhưng mới có khoảng 20.000 hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy, cần tập hợp họ lại trong hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với DN thành một hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là quỹ đất, nguồn nhân lực và cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, cần có chính sách tạo đà đủ mạnh để thu hút ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, để gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp và đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.
Thanh Thảo