Chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Nam bộ chiếm 70-75%, giá trị kim ngạch toàn quốc. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu là lĩnh vực gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau 2 tháng giãn cách xã hội phục vụ chống dịch. Theo đó, đến cuối tháng 7-2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) thì đến đầu tháng 9-2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ. Đồng thời, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với đầu tháng 7-2021 trước khi giãn cách toàn vùng. Hiện tại, có 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca nhiễm Covid-19. Qua đó, xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so cùng kỳ. Riêng tỉnh Sóc Trăng, các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản vẫn hoạt động nhưng do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên giá tôm giảm từ 1.000 - 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ; về xuất khẩu thủy sản 9 tháng của tỉnh đạt 740 triệu USD, chiếm gần 78% tổng kim ngạch, tăng 24% so cùng kỳ.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Ngành nông nghiệp là hệ thống chằng chịt, đan xen tác động rất nhiều và ảnh hưởng rất nhiều và do rất nhiều thành phần mới tạo ra được một sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm ra thị trường nên lãnh đạo các địa phương lưu ý vấn đề này… Theo đó, đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh khu vực phía Nam trong kế hoạch phục hồi sản xuất nông nghiệp, sau đại dịch phải đưa vào các nội dung là tổ chức lại sản xuất, khuyến khích đưa người dân vào sản xuất trong các tổ hợp tác, hợp tác xã và chuẩn hóa lại vùng trồng, vùng nuôi nông sản, thủy sản và đẩy mạnh nâng cao chất lượng nông sản, khuyến cáo người dân sản xuất giảm chi phí đầu vào bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng với, doanh nghiệp, trong thời điểm này doanh nghiệp xem lại cách quản trị, để làm sao tiết kiệm chi phí sản xuất…
THÚY LIỄU