Hỗ trợ trực tuyến
(84) 97 6666 399
Vietlin
Email: caominhha.cindy71@gmail

(84) 98888 3988
Vietlin
Email: caominhha.cindy71@gmail

Tin tức
Lượt xem: 211
Xuất nhập khẩu Việt Nam sẵn sàng "bứt tốc", vượt mốc 660 tỷ USD

Những kết quả ấn tượng

Nhận định về bức tranh thương mại, xuất - nhập khẩu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến cho năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu như: Hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương… bị gián đoạn do tác động từ tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các Chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

"Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hóa vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định. 

Xuất nhập khẩu Việt Nam sẵn sàng "bứt tốc", vượt mốc 660 tỷ USD
 Vải Thanh Hà (Hải Dương) được bày bán trong siêu thị Hà Lan.
Xuất nhập khẩu Việt Nam sẵn sàng "bứt tốc", vượt mốc 660 tỷ USD
Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hóa vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch Covid-19. 

Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Nếu như trước kia, nhóm hàng nông, thủy sản đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nhưng hiện tại nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chủ yếu để xuất khẩu liên tục ở mức cao. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo và dần chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Ngoài ra, có thể thấy các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã, một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường đích...

Với kết quả đáng khích lệ này, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.

Dự tính năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020.

Nhờ vậy, cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020. 

 Sẵn sàng "bứt tốc"

Bộ Công Thương nhận định, trong tháng cuối năm 2021, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.

Theo đó, trên thế giới, việc các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta như Hoa Kỳ, EU,… đã và đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vắc xin, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, mở cửa du lịch – điều này báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao.

Hơn nữa, nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế, sẽ tạo đà tăng cho kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Xuất nhập khẩu Việt Nam sẵn sàng "bứt tốc", vượt mốc 660 tỷ USD
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Ở trong nước, tính tới thời điểm hiện tại, tốc độ và số lượng người được tiêm vắc xin ngày càng tăng. Nhờ hiệu quả của công tác chống dịch, Việt Nam có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất chuẩn bị nguồn hàng, xuất khẩu, nhập khẩu trong trạng thái “bình thường mới” để sẵn sàng “bứt tốc”.

Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng của ta.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định: Trước bối cảnh Việt Nam phần nào khống chế được dịch bệnh đã góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN..., dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13-15%.

Đánh giá về triển vọng thương mại châu Á trong hai năm 2022-2023, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã nhấn mạnh: Năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

"Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn", Giám đốc quốc gia ADB nhấn mạnh. 

Đặc biệt, tuy dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song việc hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng triển khai các FTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và sớm khôi phục các thị trường xuất khẩu sau dịch Covid-19; tập trung theo dõi sát từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác thị trường và thúc đẩy xuất khẩu...

Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào sáng 14-12-2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định:

Về xuất, nhập khẩu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. 

HẰNG PHƯƠNG

Bài tuyên truyền Nghị quyết 84/NQ-CP